• Tiếng Việt
  • English

Tin tức

Khi xe đạp nói "Tôi yêu Hà Lan"

 

Hà Lan có đến 18 triệu xe đạp trong khi dân số chỉ khoảng 16,8 triệu người, theo thống kê của hiệp hội xe đạp Hà Lan. Và, đi xe đạp như một nét văn hoá của người Hà Lan. 

Châu Âu không thiếu những nước thân thiện với xe đạp như Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan, Đức, Bỉ, Áo. Nhưng nếu phải so sánh, có lẽ người Hà Lan yêu thích những chiếc xe đạp nhất. Họ coi xe đạp là một phần không thể thiếu đối với cuộc sống. Tại những thành phố lớn như Amsterdam hay Den Haag, lưu thông bằng xe đạp luôn chiếm trên 70%.  


Một gia đình người Hà Lan đi chơi cuối tuần bằng xe đạp. 

Một phần của cuộc sống 

Những đứa trẻ tại Hà Lan quen thuộc với xe đạp trước cả khi chúng biết đi. Từ lúc mới sinh cho đến vài tuổi, chúng được cha mẹ chở bằng xe đạp trên những chỗ ngồi đặc biệt, nhiều khi có cả mái che, được làm thêm dành riêng cho chúng. Lớn hơn, chúng sẽ có xe đạp riêng mình khi ra đường cùng người thân. Thường thì đó là những chiếc xe nhỏ xinh có bánh an toàn. Tuổi teen ở Hà Lan cũng thường chọn xe đạp là phương tiện tự do nhất để đi học, đi chơi. Và cũng chẳng có gì lạ khi trên đường phố, nhiều ông bà lão 80, 90 tuổi vẫn đạp xe đi chợ hay gặp gỡ bạn bè vào mỗi cuối tuần. 

Đạp xe ra đường ngày nắng là điều tuyệt vời nhất với người Hà Lan. Nhưng ngày mưa hay ngày tuyết rơi cũng chẳng sao, miễn là con đường dành riêng cho xe đạp vẫn an toàn để lưu thông. Đi làm, đi chơi hay đi học, chiếc xe đạp cũng là phương tiện đầu tiên được họ nghĩ đến. “Xe đạp như người bạn đồng hành đáng tin cậy. Chúng tôi ít quan tâm đến việc dùng xe hiện đại hay thời trang, quan trọng là xe đạp tốt phù hợp để đi lại. Có những chiếc xe gắn bó với chúng tôi hàng chục năm, thậm chí dùng từ khi còn trẻ đến khi về già. Nếu nhìn thấy một người cao tuổi trên đường với một chiếc xe cũ kỹ, điều đó có nghĩa cả hai đã gắn bó với nhau cả thời gian dài”, ông Van de Henk, một giáo viên tâm sự.

Sống ở thành phố Utrecht, hàng ngày ông Henk đạp xe đến ga trung tâm, để xe đạp ở bãi đậu, lên tàu đến Hilversum, nơi ông giảng dạy, cách khoảng 30km. Tại ga Hilversum, ông dùng một chiếc xe đạp khác đến trường. Chiếc xe đạp này cũng là phương tiện để ông đi lại, gặp gỡ, đối tác hoặc ra ngoài làm việc mỗi khi cần tại Hilversum. Điều đó có thể giải thích tại sao số xe đạp nhiều hơn số người trong mỗi gia đình tại đất nước này.

Ngoài những lợi ích đi xe đạp mang lại như tốt cho sức khoẻ, thân thiện môi trường, lại tiết kiệm được một khoản tiền mua xăng dầu, nhiều người Hà Lan cho biết họ thích đi xe đạp vì phương tiện này có quyền lực nhất trên đường phố.


Một bãi đậu xe nổi dành riêng cho xe đạp gần ga trung tâm thành phố Amsterdam. 

Bắt đầu từ giải pháp kẹt xe 

Đầu thế kỷ 20, người Hà Lan đã ưa dùng xe đạp. Từ những năm 50 – 60, giống như nhiều nước châu Âu khác, sự phát triển kinh tế và công nghiệp tại Hà Lan khiến lượng xe hơi tăng vọt. Các con đường trở nên chật chội, người đi xe đạp thì bị ép sát vào lề đường. Nghiêm trọng hơn, số người tử vong vì tai nạn xe hơi tăng cao, trong đó rất nhiều nạn nhân là trẻ em.

Phong trào “Ngưng sát hại trẻ em” của một số nhà hoạt động đã yêu cầu chính phủ quan tâm hơn đến điều kiện an toàn của người đi xe đạp. Cùng thời điểm đó, cuộc khủng hoảng dầu mỏ tại Trung Đông năm 1973 xảy ra khiến lượng dầu xuất khẩu vào Mỹ và các nước Tây Âu giảm mạnh.

Hai áp lực trên khiến Chính phủ Hà Lan phải suy nghĩ lại. Hàng loạt dự án đầu tư và cải tiến hệ thống hạ tầng giao thông ưu tiên dành cho xe đạp được thực hiện, còn các dự án quy hoạch thân thiện với xe hơi bị giảm đáng kể.

Để người đi xe đạp an toàn và khuyến khích người đi xe đạp, Hà Lan cho xây dựng những làn màu đỏ dành cho xe đạp ở hai bên đường, đủ rộng để hai xe có thể vượt nhau. Phương tiện khác không được phép đi vào làn đường này. Luôn có biển chỉ đường, bảng chia cách và đèn dành cho người đi xe đạp rõ ràng, có thể là những bảng hiệu cắm trên cột hoặc được vẽ trực tiếp trên đường. Phía ngoài các toà nhà, cửa hàng, các điểm công cộng khi quy hoạch luôn có các bãi đậu xe đạp tiện lợi. Ở nhiều khu vực chật hẹp, thiếu bãi đỗ, những thành cầu hay công viên cũng được tận dụng làm nơi dựng xe đạp cho người dân.

Bài học về xe đạp và đi xe đạp được đưa vào trong trường học. Tất cả các trường học đều có bãi để xe đạp, và đi xe đạp thành thạo cũng là yêu cầu quan trọng đối với học sinh. Nhiều trường học, tới 90% học sinh đi xe đạp tới trường.

Tất nhiên, lý do thuyết phục người Hà Lan đi xe đạp tự nguyện, ngoài cơ sở hạ tầng cho xe đạp tốt phải kể đến những dịch vụ liên kết thuận tiện. Hệ thống tàu điện, xe điện, xe buýt kết nối các khu vực thường xuyên, nhanh chóng. Các con tàu luôn có toa dành cho hành khách mang xe đạp lên, và các nhà ga luôn có những bãi đậu xe đạp rộng rãi, có mái che. Người đi xe đạp được ưu tiên số một, hơn cả người đi bộ. Nhiều lúc, có những hàng dài xe hơi đứng chờ một cách kiên nhẫn tại một nút giao thông chỉ để nhường đường cho vài chiếc xe đạp nối đuôi nhau đủng đỉnh đi ngang. 


Những chiếc xe đạp được khóa vào thành cầu tại Amsterdam - như một cách tận dụng mặt bằng đậu xe.


Mang xe đạp lên tàu để đến điểm dừng sẽ đạp tiếp đến công sở.


Khu vực dành riêng dậu xe đạp trên khoang tàu. Đúng xe đạp là "vua" trên đường phố. 

Người Hà Lan thường không đội nón bảo hiểm khi đi xe đạp vì họ tin tưởng vào độ an toàn của hệ thống đường dành riêng cũng như những ưu tiên mà họ được hưởng. Trong trường hợp tai nạn xảy ra, phần lớn trong các trường hợp, trừ bồi thường từ bảo hiểm, người lái xe hơi sẽ phải chi trả ít nhất 50% cho những tổn hại cho người và xe đạp.

Nếu đi xe đạp vi phạm luật thì cũng sẽ bị phạt như đi xe nguy hiểm, dựng xe sai địa điểm, hoặc vượt đèn đỏ. Nếu để sai nơi quy định, xe đạp có thể bị tịch thu và phí để nhận lại xe vào khoảng 25 euro.

Chứng kiến văn hoá dùng xe đạp tại Hà Lan mới hiểu câu nói: “Người đi xe đạp ở Hà Lan là vua trên đường phố”. 

Kim Dung (SGTT)

 

Lãng mạn cà phê hè ở góc phố ở Paris

Ở từng góc phố, những quán cà phê nhỏ bé, nên thơ với những giỏ hoa sắc màu sặc sỡ như một nét điểm xuyết đáng yêu cho  tráng lệ. Chọn một góc khuất, nhâm nhi một tách cà phê thơm nồng để tận hưởng cuộc sống êm đềm nơi đây.

Sự thực đến Paris mà không vào quán uống cà phê, bạn sẽ “không thấy và không có Paris”. Những quán cà phê nhỏ bé, xinh xắn hiện diện ở mỗi góc phố, bên bờ sông, bên cạnh quảng trường, dã chiến với những bộ bàn ghế gỗ đơn giản, những chiếc dù che nắng duyên dáng hay thực đơn được viết đơn giản bằng bảng đen phấn trắng.

Suốt con đường dài bên tả ngạn sông Seine gọi là đường của các quán cà phê. Mỗi góc phố đều có một quán cà phê với lối trang trí đặc biệt Pháp, mở thông ra hè phố.

Các quán cà phê ở khắp các đường phố, ngõ ngách của Paris hoa lệ. Ảnh: Colourofviet.com

Dưới mái hiên che bằng nhựa trong để lấy ánh sáng là những chiếc ghế mây nhỏ, những bàn tròn hay vuông gọn gàng cho hai, ba người ngồi hay những bộ bàn ghế sắt sơn trắng uốn lượn xinh xắn, được phủ lên môt lớp khăn ren hay kẻ sọc thanh nhã.

Du khách không thể nào không dừng bước trước những mùi thơm dễ chịu tỏa ra từ những quán ngoài trời giản dị mà tinh tế với những giỏ hoa tươi ngập tràn màu sắc trải dài khắp quán.

Thú vị nhất là ngồi ở quán Procope ở tả ngạn sông Seine, một trong những quán cà phê cổ nhất Paris, nhấm nháp một ly cà phê thơm nồng, phóng tầm mắt và cảm nhận vẻ đẹp lãng mạn của xứ sở tình yêu này.

Quán cà phê nổi tiếng ở Paris luôn hấp dẫn bất kỳ du khách nào đến thăm. Ảnh: Le Procope

Người Pháp hay nhâm nhi tách cà phê trên góc phố cùng với chiếc bánh croissant, hay mấy thanh chocolate đen, kẹo nougat…

Cà phê cũng thường được chia ra làm 2 loại:

Café au lait và Café noir. Cafe au lait có pha trộn từ cafe với sữa, kem, bơ tươi. Đó có thể là Café noisette – espresso đậm đặc pha chút sữa tươi hảo hạng.

Cafe Noir nguyên chất, vị nặng và đằm, thường được phân loại dựa theo xuất xứ, chất lượng của hạt cà phê cũng như nồng độ pha chế.

Một bữa sáng phong cách của người Pháp. Ảnh: colourofviet.com

Nếu một lần đến Paris, hãy chọn một góc khuất ở bất cứ ngã tư nào của thành phố, gọi một cốc cà phê sữa, ngắm nụ cười mỉm đặc biệt của người Pháp, tận hưởng cuộc sống êm đềm trôi nơi đây.

Lynne_Nuocphap.org

 

Sự tích của loài hoa oải hương xinh đẹp, huyền bí

Ngày xưa ở một ngôi làng nhỏ yên bình tại vùng Provence, nước Pháp, có hai đứa trẻ vẫn thường hay chơi đùa trên cánh đồng oải hương ở dưới chân đồi. Chúng rất thích đến đây vào mỗi buổi chiều, để được nằm dài trên cánh đồng hoa, thả hồn vào mây gió, để được ngắm trời, mây và những bông hoa tím đung đưa theo làn gió nhẹ. Tại đây, cả hai đã hẹn ước khi nào lớn lên sẽ cưới nhau. Cô bé ngắt một cành hoa oải hương tách đôi và cho vào hai chiếc lọ nhỏ và mỗi người giữ một lọ.

Một ngày kia, chuyện không may đã xảy ra. Một tai nạn đã khiến cậu bé phải nằm bất tỉnh trên giường bệnh. Bố mẹ cậu phải đưa cậu ra nước ngoài chữa trị. Nếu câu chuyện kết ở đó, thì đâu có gì để nói.

Mười lăm năm sau. Cậu bé ngày xưa nay đã trở thành ca sĩ nổi tiếng. Anh trở về làng quê cũ để tìm lại những ký ức về tuổi thơ đã mất sau tai nạn.

Kể từ ngày cậu bé ra đi cô bé vẫn chưa một lần rời khỏi ngôi làng đầy ký ức tuổi thơ. Cô mở một trang trại trồng hoa ngay dưới chân đồi, nơi có cánh đồng hoa oải hương thơm ngát. Hàng ngày, cô vẫn đứng trước cánh đồng hoa oải hương, nhìn những bông hoa tím đung đưa theo chiều gió và hy vọng một ngày nào đó anh sẽ trở về.

Vào một buổi chiều anh đi dạo về phía chân đồi nơi có cánh đồng hoa oải hương tím biếc. Hai người đã gặp lại nhau sau, nhưng thật trớ trêu thay, họ không thể nhận ra nhau.

Họ nói chuyện với nhau, trở thành bạn. Họ kể chuyện cho nhau nghe. Chàng trai kể về chuyện anh trở về là để tìm lại ký ức. Anh đưa cho cô xem chiếc lọ nhỏ bên trong có bông hoa oải hương mà anh đã giữ bấy lâu nay. Cô gái liền nhận ra đó chính là cậu bé ngày xưa, người mà cô đã chờ đợi suốt 15 năm nay.

Hàng ngày cô đưa anh đi đến những nơi mà trước kia hai người từng đến, kể cho anh nghe những kỷ niệm ngày xưa. Sau một thời gian, ký ức xưa đã trở lại. Họ yêu nhau và tin rằng sẽ sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng số phận họ lại một lần nữa bị chia cách. Cô gái mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Trước lúc ra đi cô gái đưa cho chàng trai cái lọ thủy tinh nhỏ và nói với chàng trai: “Anh hãy giữ lấy chiếc lọ này, nhìn thấy nó như là thấy em, như vậy chúng mình sẽ được ở bên nhau mãi mãi”…

Hoa oải hương là loại cây bụi thường niên có mùi thơm nồng, xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải, được trồng nhiều tại vùng Provence, nước Pháp. Vì thế cứ nói đến Lavender là người ta lại nghĩ nay đến vùng Provence xinh đẹp với những cánh đồng Lavender trải dài.

Người La Mã đã mang loại hoa này phổ biến ra khắp châu Âu, tất cả những nơi nào mà họ đặt chân đến, nhằm tạo nên nguồn cung cấp tinh dầu tại địa phương. Đây chính là một loại dược liệu thiên nhiên được ưa chuộng thời cổ đại và được xem như là thứ thảo dược của tình yêu (herb of love).

Người Hy Lạp và La Mã sử dụng oải hương pha vào nước tắm bởi hương thơm và khả năng chữa bệnh của oải hương. Người ta còn nói rằng Đức Mẹ Đồng Trinh đã trải những chiếc tã quấn khăn cho em bé mới sinh của mình (chúa Jêsu) trên tấm thảm những bông hoa dại oải hương, được hái từ vùng Provence.

Do tính sát khuẩn, oải hương là loại thảo mộc được ứng dụng rộng rãi trong y học – vốn được dùng để sát trùng vết thương trong thời chiến. Ngoài ra, oải hương còn mang đến nhiều công dụng khác nhau: trà làm từ hoa giúp thư giãn, nước rửa mặt là từ hoa giúp làn da khỏe mạnh hơn…

Những bó hoa oải hương cũng được trao cho các cặp vợ chồng mới cưới để mang lại may mắn. Và rắc tung những bông oải hương khô trong nhà được cho là mang lại sự bình yên, hòa thuận. Hoa khô còn được gói trong những túi thơm lót dưới gối tạo cảm giác thư thái dễ ngủ.

Theo Thế giới cây thuốc - Ảnh: rfviet.com

 

Du lịch nước ngoài giúp bạn dễ thăng tiến

Học cách chấp nhận và tôn trọng khác biệt văn hóa nhiều nước được xem là trải nghiệm hữu ích giúp du khách dễ thích nghi, đồng thời nhanh chóng tìm ra nhiều cơ hội cho chuyện thăng tiến sự nghiệp sau này.

Dưới đây là những cơ hội mở ra cho nghề nghiệp của bạn từ các chuyến du lịch nước ngoài được đa số du khách giàu kinh nghiệm đúc kết.

Những cơ hội bất ngờ

Không phải bất cứ ai vừa trở về từ chuyến du lịch dài ngày cũng có thể sáng tạo nên một kiệt tác chưa từng có hay lập công ty và ngay lập tức kinh doanh phát đạt.

 

Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tìm ra góc nhìn mới mẻ cho những vấn đề tồn đọng, tạo mối quan hệ làm ăn với một đối tác nước ngoài. Thậm chí, bạn còn tìm thấy định hướng nghề nghiệp hoàn toàn khác biệt so với những gì đã xác định.

Du lịch nước ngoài có thể mở ra cơ hội làm ăn với một đối tác kinh doanh mới. Ảnh: Huffingtonpost

Cơ hội trau dồi vốn ngoại ngữ

Rất nhiều cách để học một ngoại ngữ như tham gia các khóa học hay bài giảng trực tuyến. Thực tế, ngôn ngữ là một phần thiết yếu của văn hóa. Do đó, không có phương pháp nào hữu hiệu hơn việc đặt mình vào thế chủ động thực hành ngôn ngữ mới trong đời sống hàng ngày.

Nhưng liệu ngoại ngữ có thực sự quan trọng với sự nghiệp của bạn? Những số liệu trong các dự án của Cục Thống kê và Lao động Mỹ cho thấy tới năm 2022, tỷ lệ lao động ngành phiên dịch sẽ tăng tới 46%. Điều này đồng nghĩa việc nhu cầu giao tiếp đa ngôn ngữ sẽ ngày càng cao.

 

Dù không theo đuổi sự nghiệp phiên dịch, việc biết nhiều hơn một ngoại ngữ cũng giúp bạn tiết kiệm đáng kể những chi phí thuê biên hoặc phiên dịch viên cho công ty. Không chỉ vậy, nó còn giúp cải thiện những tương tác với đồng nghiệp hay đối tác làm ăn.

Trong môi trường làm việc đa văn hóa, những trải nghiệm du lịch có thể giúp bạn xóa tan rào cản giao tiếp. Ảnh: Crossing Culture.

Thúc đẩy khả năng cạnh tranh nghề nghiệp

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc chấp nhận và tôn trọng những khác biệt văn hóa là bước ứng xử thông minh trong quá trình làm việc. Bạn không nhất thiết phải sinh sống ở nước ngoài để làm quen việc giao tiếp với người ngoại quốc.

Song khi có điều kiện trải nghiệm khám phá nền văn hóa mới, bạn đã tự tạo nên nhận thức và sự thấu hiểu sâu sắc đối với những con người đến từ nhiều vùng đất khác. Đây sẽ là trợ thủ đắc lực giúp xóa tan những rào cản trong quá trình giao tiếp với một đồng nghiệp nước ngoài.

Xét về tổng thể, du lịch nước ngoài luôn là khoản đầu tư tốn kém nhưng trở ngại này hoàn toàn có thể khắc phục. Bạn có thể tìm kiếm học bổng du học để vừa đầu tư cho những trải nghiệm văn hóa, vừa phát triển kiến thức chuyên môn. Hãy tìm hiểu về những bí quyết cắt giảm chi phí hay thực hiện một kế hoạch kinh doanh ngay trên đường du lịch.

Phạm Huyền (theo Time)

 

 

Macaron, ‘cô tiểu thư’ của ẩm thực Pháp

Nhắc đến nước Pháp hoa lệ, người ta thường nghĩ ngay tới tháp Eiffel và Macaron, món bánh nổi tiếng dành trọn sự yêu mến của mọi người.

Macaron là loại bánh ngọt được làm từ lòng trắng trứng, đường bột, đường cát, bột hạnh nhân và một chút màu thực phẩm. Nhân bánh thường được lấp đầy với mứt, ganache hoặc kem bơ kẹp giữa hai mặt bánh. Cái tên Macaron bắt nguồn từ tiếng Italy là ‘maccarone’ hoặc ‘maccherone’ (có nghĩa là nghiền nát).

Những chiếc bánh Macaron đầy màu sắc. Ảnh: biskotti.

Có rất nhiều tranh cãi xung quanh xuất xứ của Macaron. Theo nhiều người, Macaron có nguồn gốc từ những đầu bếp bánh ngọt Italy đã theo Catherine de Mesdicis sang Pháp năm 1533 khi bà kết hôn với vua Henry II. Lại có câu chuyện khác cho rằng tại thị trấn Nancy, vùng Lorraine của nước Pháp có một tu viện mà ở đó mọi người không được phép ăn thịt. Để đáp ứng được chế độ ăn uống khắc nghiệt này, hai nữ tu là Marguerite và Marie - Elisabeth đã tạo ra những chiếc bánh Macaron.

Ban đầu bánh chỉ có hình tròn đơn giản như những chiếc bánh quy thông thường. Với sự sáng tạo của Pierre Desfontaines ở cửa hàng bánh ngọt Pháp Ladurée, Macaron trở thành chiếc bánh có hai lớp bánh và một lớp nhân ở giữa mà chúng ta vẫn thường nhìn thấy ngày nay.

Macaron là một ý tưởng tuyệt vời khi bạn muốn tặng quà cho những người thân yêu. Ảnh: whoolygoat.

Macaron là một ý tưởng tuyệt vời khi bạn muốn tặng quà cho những người thân yêu. Ảnh: whoolygoat.

Bé nhỏ là vậy nhưng Macaron không hề dễ làm chút nào. Nó luôn nằm trong danh sách những loại bánh khó làm nhất thế giới. Thậm chí ở Pháp, không phải tiệm mào cũng có thể làm bánh Macaron. Bánh Macaron "đỏng đảnh" đòi hỏi kỹ năng và sự tinh xảo mà chỉ một số ít người mới có thể đáp ứng được. Từ khâu khuấy bột, định hình bánh đến căn chỉnh thời gian đều phải hoàn toàn chính xác. Món bánh Macaron hoàn hảo phải có hai lớp chân bánh giòn xốp, tan trong miệng hòa cùng vị ngọt thanh và mềm mại từ nhân bánh.

Vị ngon khó cưỡng của chiếc bánh Macaron socola. Ảnh: seriouseats.

Vị ngon khó cưỡng của chiếc bánh Macaron socola. Ảnh: seriouseats.

Là mặt hàng bán chạy nhất trong các cửa hàng bánh ngọt, Macaron có thể được tìm thấy với nhiều hình dáng (hình ngôi sao, hình trái tim) và hương vị khác nhau (mâm xôi, socola, nấm, trà xanh…). Nếu có cơ hội đặt chân tới nước Pháp xinh đẹp, đừng quên kiếm cho mình chiếc bánh Macaron chính gốc với đủ loại hương vị mới lẫn truyền thống. Chắc chắn chuyến du lịch đến với kinh đô ánh sáng của bạn sẽ ngọt ngào hơn rất nhiều.

(Theo Trang Lê_Vnexpress)

 
More Articles...
CONTACT US

MAPPYTOUR

Address: 6-16 Nguyen Van Thu Street, Da Kao Ward, District 1, Ho Chi Minh City, Viet Nam.

Email:  info@mappytour.com - tran.nguyen@mappytour.com

Phone: (+84)0862944440 - (+84)0906610055

Viber: +84982286132

Fax: (+84)0862944441

Sign up to receive best price from Mappytour

Enter your email address